Cụm di tích nằm ở chân núi Dạm, thuộc địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 4km về phía Đông Nam, cụm di tích lịch sử quốc gia Chùa Dạm, Chùa Hàm Long gồm hai ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây hơn ngàn năm khoảng thế kỷ XI dưới thời Lý và là hai địa điểm nổi tiếng linh thiêng của Bắc Ninh.
Chùa Dạm hay Đại Lãm tự (còn nhiều tên gọi khác như Chùa Bà, Chùa Trăm Gian, Chùa Cao…) được xây dựng từ năm 1086 đến năm 1094 dưới thời Lý, do vua Lý Nhân Tông xây dựng làm nơi tu hành cho mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan. Chùa Dạm trở thành một đại danh lam và trung tâm phật giáo lớn của Việt Nam lúc đó. Qua hàng ngàn năm lịch sử, ngày nay, chùa Dạm chỉ còn lại dấu tích những cấp nền và một số di vật quý, đặc biệt là cột đá chạm rồng được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là cột đá chạm rồng lớn nhất Việt Nam. Cách chùa Dạm khoảng 2km về phía Đông, Chùa Hàm Long cũng là một ngôi chùa cổ, tương truyền là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ. Theo lời kể của nhân dân địa phương, khi Chùa Dạm bị chiến tranh phá hủy, Chùa Hàm Long chính là nơi bảo vệ những hiện vật quý từ Chùa Dạm đưa sang đồng thời cũng là nơi nhân dân thắp hương lễ phật và tưởng nhớ nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông - vị vua đã cho xây Chùa Dạm. Trong dịp lễ hội Chùa Dạm, Chùa Hàm Long cũng là một trong những điểm quan trọng trong các hoạt động lễ hội của nhân dân trong vùng.
Mục tiêu Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi cụm di tích lịch sử văn hóa Chùa Dạm - Chùa Hàm Long, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh nhằm tạo cơ sở triển khai đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật với mục đích phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị của cụm di tích trong việc giáo dục truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử, khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch. Qua đó, nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc giữ gìn và kế thừa truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, để “Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội" trong thời kỳ mới.
Bố cục không gian kiến trúc cảnh quan toàn khu được phân thành 3 không gian chính bao gồm:
- Không gian di tích: Gồm di tích Chùa Dạm, Chùa Hàm Long và các hạng mục công trình xây dựng mới phát huy giá trị di tích. Trong đó, lấy Chùa Dạm làm hạt nhân, phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa cộng đồng và dịch vụ lễ hội. Khu di tích Chùa Dạm được phục dựng lại trên nền cổ xưa. Khu di tích Chùa Hàm Long được tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới một số công trình dịch vụ, phụ trợ khác. Xung quanh khu di tíchchùa Dạm, chùa Hàm Long là không gian cây xanh cảnh quan bảo vệ di tích.
- Không gian phát huy giá trị di tích nằm ở phía Nam khu vực quy hoạch, bao gồm các hạng mục công trình xây dựng mới nhằm khai thác, phát huy giá trị di tích như: Quảng trường lễ hội, công viên cây xanh, các khu chức năng khác phát huy giá trị di tích.
- Không gian sinh thái Núi Dạm: Vị trí ở phía Đông và Tây khu vực nghiên cứu, là khu rừng Núi Dạm hiện tại. Trong không gian này sẽ bố trí hệ thống đường dạo, tượng, bảo tháp để tạo thành những điểm dừng chân nghỉ ngơi, chụp ảnh, tham quan... phục vụ du khách.
Tên dự án
Cụm DTLSVH Chùa Dạm - Chùa Hàm Long, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh_Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi